Viết trong môi trường kinh doanh không đơn thuần chỉ là viết, mà còn là cả một quá trình thấu hiểu, giao tiếp, trò chuyện, tư vấn và thuyết phục khách hàng sao cho khéo léo nhất, thân thiện nhất, chuyên nghiệp nhất để khiến khách hàng ấn tượng, mua sản phẩm và yêu thích để quay lại nhiều lần.
Dưới đây là 11 điều cơ bản một người viết trong môi trường kinh doanh cần ghi nhớ để luôn làm tốt công việc của mình. Mỗi khi viết nội dung bán hàng, hãy tự đọc lại và xem trong nội dung mình viết đã có các yêu tố này chưa bạn nhé!
1. Empathizes | Sự cảm thông
Trong văn phong cần có sự cảm thông, thấu hiểu đối với từng đối tượng khách hàng. Điều này yêu cầu bạn cần bạn nắm rõ chân dung về tập khách hàng cho dòng sản phẩm mình đang bán. Họ là ai, họ làm nghề gì, họ có mức sống như thế nào, họ có những tính cách, sở thích, thói quen ra sao? Từ đó, hãy viết những gì để khách hàng của bạn cảm thấy họ được thấu hiểu, nhu cầu của họ được đáp ứng.
2. Uses Cliffhangers | Sử dụng các pháp cú và câu từ đắt, tạo sự chú ý, tò mò
Một trong những cách dễ dàng nhất để khách hàng của bạn tiếp tục đọc những gì bạn viết ngay từ cái nhìn đầu tiên chính là sự chú ý, tò mò. Với sự bùng nổ của nội dung như hiện nay, nếu bạn không biết cách tạo ấn tượng bằng những pháp cú và câu từ đắt giá, khách hàng của bạn sẽ dễ dàng lướt qua nội dung bạn viết chỉ sau 3-5s đầu tiên. Chính vì vậy, hãy thường xuyên cập nhật và sáng tạo những lối viết mới, những câu từ, con chữ mới, những xu hướng hiện nay để nội dung bạn viết ra luôn tạo được cho khách hàng sự hứng thú.
3. Moves the Emotions | Tạo cảm xúc tác động đến khách hàng
Nếu như việc sử dụng các pháp cú và câu từ đắt để thu hút sự chú ý của khách hàng từ lần tiếp xúc đầu tiên, thì việc tạo cảm xúc tác động đến khách hàng là điều kiện để họ có thể nhớ đến những gì bạn viết. Cảm xúc này có thể khiến họ có những hành động nhất định sau khi đọc nội dung bạn viết. Chính vì vậy, việc chuyển đổi được cảm xúc của khách hàng là điều tuy khó nhưng rất cần thiết.
4. Shows Valued Stuffs | Mang đến giá trị, lợi ích gì đó cho khách hàng
Trong nội dung bạn viết, cần chỉ rõ khách hàng của bạn sẽ nhận được những giá trị gì. Và quan trọng hơn cả, cần chỉ ra điều này một cách rõ ràng nhất có thể. Những quà tặng, ưu đãi, hay những đặc tính mà sản phẩm của bạn mang lại cho khách hàng rất quan trọng. Khách hàng có thể đọc hết những gì bạn viết, có thể có cảm xúc buồn, vui khác nhau từ văn phong bạn mang lại, nhưng để quyết định mua hàng, họ cần phải nhận được một lợi ích gì đó cụ thể.
5. Has a Clearly-Defined Purpose | Có mục đích rõ ràng: Bạn muốn nhắn khách hàng điều gì?
Đây cũng là một yếu tố rất quan trọng trong khi viết để bán hàng. Bạn cần gửi đến khách hàng một thông điệp nào đó rõ ràng, ví dụ: “Đây là ưu đãi độc quyền cho sản phẩm của tôi, hãy nhân cơ hội này nhận ngay ưu đãi để mua hàng giá tốt”; hoặc, “Đây là sản phẩm tốt nhất, bạn sẽ không phí tiền để mua nó”;… Bạn muốn chỉ ra cho khách hàng sự cạnh tranh về giá cho sản phẩm của bạn, hay muốn khách hàng hiểu được sản phẩm của bạn “đắt xắt ra miếng”, điều đó sẽ quyết định toàn bộ nội dung bạn viết và quan trọng nhất, khách hàng của bạn sau khi đọc xong phải hiểu được những điều bạn muốn nhắn nhủ.
6. Is Error-Free | Nói không với lỗi chính tả từ vựng ngữ pháp
Điều cấm kị nhất của một người viết chính là sai lỗi chính tả, vấp phải các lỗi diễn đạt về từ vựng và ngữ pháp. Bạn cần đọc kĩ những gì mình viết, rà soát lại cẩn thận và đặc biệt, để bên cạnh mình một cuốn từ điển chính tả nếu cần. Những khách hàng khó tính đôi khi chỉ vì một lỗi chính tả mà có thể có cái nhìn khác hẳn về những gì bạn viết dù có hay và hấp dẫn đến cỡ nào. Hãy thật chú ý điều đó bạn nhé!
7. Is Simple | Càng đơn giản dễ hiểu càng tốt
Đừng cố gắng sử dụng những câu ghép hoặc những lối diễn đạt quá hàn lâm khi bạn viết để bán hàng. Bạn cũng không nên sử dụng các từ ngữ chuyên môn hoặc các chữ viết tắt. Văn phong và lối diễn đạt của bạn cần đơn giản, dễ hiểu vì khách của bạn càng dễ dàng nhận được thông điệp mà bạn muốn gửi gắm trong từng nội dung.
8. Has Credibility | Trích dẫn nguồn tin cậy
Khi bạn đưa ra các con số, các luận cứ luận chứng trong nội dung, bạn cần trích dẫn từ những nguồn chính thống và có cơ sở để tăng độ tin tưởng với khách hàng. Tránh sử dụng những cụm từ chung chung như “Nghiên cứu đã chỉ ra rằng…” mà thay vào đó, bạn nên chỉ rõ “Nghiên cứu ABC từ Viện khoa học XYZ đã chỉ ra rằng…”. Chắc chắn chỉ bằng một sự thay đổi nhỏ này, khách hàng của bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều vào sản phẩm cũng như thương hiệu mà bạn đang đại diện để giao tiếp với họ.
9. Solves a Problem | Giải quyết được 1 vấn đề nào đó
Điều này rất quan trọng khi bạn muốn bán hàng, vì chỉ khi bạn giải quyết được một vấn đề nào đó cho khách hàng, khách hàng của bạn mới cảm thấy sự cần thiết mua sản phẩm mà bạn đang bán. Chính vì vậy, hãy nghiên cứu và suy nghĩ kĩ về việc khách hàng của bạn đang gặp phải khó khăn gì, họ thực sự cần gì mà sản phẩm của bạn có thể đáp ứng. Và từ đó, hãy đưa ra những giải pháp trong nội dung mà bạn viết.
10. Shows Respect | Thể hiện sự tôn trọng trong bất cứ tình huống nào
Khách hàng là thượng đế, hãy sử dụng một văn phong thể hiện sự tôn trọng, từ tốn và nhẹ nhàng để khách hàng của bạn cảm thấy dễ chịu. Dù tập khách hàng của bạn có là những người trẻ, hay ở lứa tuổi nhỏ đến cỡ nào đi chăng nữa, khi bạn giao tiếp với khách qua những con chữ, họ cần phải cảm nhận được sự chân thành từ bạn, từ sản phẩm của bạn, từ thương hiệu của bạn.
11. Generates Leads | Dẫn dắt khách hàng tiềm năng
Điều cuối cùng, nhưng cũng là điều quan trọng nhất khi viết để bán hàng, chính là nội dung bạn viết có thể khiến những ai đọc nó trở thành khách hàng tiềm năng, tăng tỉ lệ mua hàng. Bạn cần khéo léo lựa chọn những CTA (Call To Action – Lời kêu gọi hành động) cho phù hợp với nội dung bạn viết để khách hàng được dẫn dắt một cách tự nhiên trở thành khách hàng của bạn.
Hãy nhớ rằng, viết để bán hàng – hay viết trong môi trường kinh doanh không chỉ đơn thuần là bạn đang giao tiếp với khách hàng mà còn là cách mà bạn tăng doanh thu cho công ty. Chúc bạn sẽ bán được thật nhiều sản phẩm từ “ngòi bút” của chính mình!
→ Nguồn tham khảo từ: http://writtent.com
♥ Xem thêm: 7 triết lý công sở dành cho dân copy để yêu nghề hơn mỗi ngày